Vải bông thêu tay hoa văn Thái
Người Thái rất khéo léo trong thêu tay. Người Thái xưa vẫn thường ví von “Úp tay thành vân, ngửa tay ra hoa”, tiếng Thái là “Văm mư pến lai, ngái mư pến bọc”. Nghề dệt thêu thổ cẩm gắn bó với người Thái từ khi mới sinh ra, lớn lên cho tới khi về với “mường trời”. Những tấm thổ cẩm được hình thành từ quá trình trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi cho đến nhuộm màu tự nhiên, dệt và thêu thùa, phản ánh một quá trình lao động đầy nhẫn nại và sáng tạo. Nét tài hoa của người phụ nữ Thái được thể hiện rõ nhất ở công đoạn sáng tạo hoa văn trên vải. Đó là công việc thiêng liêng tồn tại từ hàng trăm năm được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại, và sự hòa nhập về văn hóa len lỏi tới từng bản làng người Thái thì nghề dệt thổ cẩm lại đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều hoa văn truyền thống đã bị thất truyền hoặc chỉ còn rất ít nghệ nhân lớn tuổi có thể làm lại được, đồng thời không có lớp trẻ kế cận để tiếp nối nghề truyền thống.
Thế giới tự nhiên được phản ánh trên những tấm vải thổ cẩm rất đa dạng và tinh tế. Đó là mặt trăng, mặt trời, là những những quả trám hay hình hoa, hình lá được cách điệu. Đó là những con hươu, con chim, con voi, con hổ hay hình người cưỡi ngựa được bàn tay khéo léo của người nghệ nhân dệt theo phương pháp tượng trưng và giản lược hóa. Các họa tiết cổ thường có tính chất đối xứng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp, trường tồn của cuộc sống, về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật. Những họa tiết trên gấu váy, khăn piêu, chăn cổ chứa đựng nhiều ý nghĩa bí ẩn và sâu sắc của người Thái xưa.