Vải lanh se và dệt tay
“Cây lanh là sợi dây dẫn đường cho linh hồn người Hmong trở về được với tổ tiên”
“Ai nấu và giặt sợi lanh không trắng là cái tâm của họ còn chưa được tốt”
– Ngạn ngữ người Hmông-
Trong suốt chiều dài lịch sử, cây lanh và nghề dệt lanh đã luôn là một phần không thể thiếu đối với mỗi người Hmông, được gọi theo tiếng Mông là Mangx (Tama, T’ma). Cây lanh, sợi lanh có sự dẻo dai bền bỉ nên đã trở thành biểu tượng bền chắc của đời sống gắn bó lứa đôi. Trong ngày cưới, người thiếu nữa Hmông được mẹ tặng những bộ áo, váy bằng vải lanh như một thứ của hồi môn, như một lời nhắn gửi chúc phúc để mang về nhà chồng. Người phụ nữ có nhiều váy áo đẹp bằng vải lanh là người giàu có, đông anh chị em.
Cây lanh còn đi vào thế giới tâm linh của người Hmông. Bất kỳ một người Hmông nào cũng để dành cho mình một bộ quần áo lanh cho lúc lâm chung. Nó còn được quan niệm là sợi dây dẫn đường cho linh hồn người chết được trở về với tổ tiên.
Thông thường cần 6 tháng để từ lúc gieo trồng đến khi dệt thành vải và trải qua nhiều công đoạn và sự tỉ mẩn để làm ra sợi lanh:
Bước 1: Gieo trồng hạt lanh (trong tháng 3)
Bước 2: Thu hoạch cây lanh (tháng 6, sau 70-75 ngày trồng trọt)
Bước 3: Phơi nắng, phơi sương cây lanh (khoảng 2 tuần), sau đó tước vỏ lanh
Bước 4: Giã lanh để làm mềm và sạch lớp vỏ ngoài
Bước 5: Sợi lanh thô đước nối bằng tay, nối đến đâu cuốn vào tay thành bó đến đó.
Bước 6: Các bó lanh được ngâm nước nóng để mềm sợi, sau đó xe sợi nữa bằng guồng xe sợi để chặp 4 sợi vào làm 1.
Bước 7: Cuốn sợi lanh bằng khung tre để làm căng sợi lanh, sau đó gỡ thành các bó lanh và treo lên để không bị rối.
Bước 8: Đun nóng sợi lanh để làm trắng sợi lanh
Bước 9: Giặt và phơi khô
Bước 10: Lăn mài để làm mềm sợi lanh
Bước 11: Xe sợi vào thoi để dệt
Bước 12: Dệt vải lanh